AcDieu225
Co Vang Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Acdieu

   Niềm  đau  chưa  dứt

    Lời nói đầu.- Đây là câu chuyện mối tình đầu của Tr/u Thịnh, hơi buồn vương chút ít lãng mạn nhưng nhẹ nhàng trong sáng. Tất cả tên những nhân vật trong truyện do sự tưởng tượng của tác giả, vì thế nếu có sự trùng hợp với ngoài đời, coi như là ngẫu nhiên, ngoài ý muốn. Xin mời quí vị đọc …
 
                                                         ---------------------------
Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
 Vẫn cứ si tình đến ngất ngư…
                                       XD.
                                     
 
 Thịnh bay chiếc Gunship số 1 và khi hai chiếc Gunship đã đến quận lỵ nọ nằm trên quốc lộ 4, Thịnh đã thấy chiếc tản thương đậu chờ sẵn bên dưới, hắn chặc lưỡi “thằng nầy xí được chỗ ngon quá ta, hắn đậu bên hông QL4, vậy thì ta và Gunship số 2 đáp ở đâu”. Rồi một vòng low recon, Thịnh quyết định đáp trên con lộ đất bên trường Trung Tiểu Học của quận lỵ phía bên nây đường.  Tàu của Thịnh đậu cách hàng rào bên hông của trường học khoảng 20 thước, tàu số 2 của Sơn & Huấn đậu nối đuôi phiá sau, bây giờ vào khoảng 10 giờ sáng dường như đang là giờ ra chơi của các em học sinh nên các em túa ra đứng sát bờ rào để nhìn tận mắt những chiếc phi cơ nầy thường khi các em chỉ thấy bay trên bầu trời cách 500m trở lên. Thịnh giảm vòng quay của máy ở mức Idle và chờ chừng một phút sẽ tắt máy cho đúng procedure.  Cũng thời gian nầy Thịnh có dịp quan sát các em, sao có các em nam sinh mặc áo trắng, quần  kaki xanh dài lại có nhiều em mặc quần ngắn, còn các em nữ sinh cũng thế, sao có em mặc đồng phục áo dài trắng, lại có em thì mặc áo trắng ngắn tay, tay áo được may phùng lên trông rất xinh. Thì ra Thịnh đoán được những em ăn mặc trịnh trọng như quần dài hay áo dài là những em đang học Trung học dù mới một vài năm đầu, còn các em kia còn là học sinh cấp Tiểu học. Xa hơn nữa, trong hành lang mặt sau của trường thấy có vài thầy cô giáo cũng có vẻ quan sát mấy chiếc trực thăng vỏ trang dường như họ muốn thấy cây súng đại liên ra sao mà nghe tiếng nổ đinh tai điếc óc kéo dài liên tục y như là tiếng gầm gừ, tiếng hú rống của một loài dã thú hung tợn, ô kìa bó rocket kia mỗi lần phóng, phát ra tiếng thét như xé trời như hù dọa sau đó mới nghe tiếng nổ thật kinh hoàng. Và cũng trong nhóm thầy cô giáo đó có một cô giáo mặc áo dài màu hồng phấn, mái tóc hơi ngắn đuôi tóc uốn cong ốp vào bờ vai, hai bên má như kiểu tóc của ca sĩ Phương hoài Tâm, trông thật giống Phương Vy – Vương Phương Vy, cô gái lớn lên với mình cùng chung xóm, cùng lớp và cùng trường đây mà.

“Ôi mắt của người yêu, ôi vực thẩm !
  Ôi trời xa: vừng trán của người yêu !
  Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
  Mà ta riệt giữa đôi tay thất vọng”.  
X D.

  Thịnh mãi mê ngấm nhìn cô giáo ấy mà quên quá lâu chưa tắt máy, ghế bên kia panel Nhân bấm PVT talk nhắc khéo Thịnh “quá lâu rồi, tắt máy đi huynh”. Thịnh quay qua Nhân cười thông cảm và tắt máy liền. Cánh rotor vẫn còn quay buộc Thịnh phải để tay hờ trên cyclic giử thăng bằng cánh quạt, Thịnh quay người về phía sau thấy hai bạn cùng bay với mình đã cởi nón bay và nói cho họ biết “mình không dừng ở đây lâu, vả lại trời yên gió lặng, không phải cột rotor đâu, tôi và anh Nhân qua tàu Dust Top nhận briefing rồi sẽ bay ngay”. Thịnh cởi helmet móc trên nóc tàu, mò xuống túi ống quần lấy cái kalô chụp lên đầu rồi cùng Nhân bước xuống tàu và đợi Sơn, Huấn đến, thế là 4 người cùng đi thẳng đến bờ rào, vẫy tay chào các em nhỏ và rẽ trái ra quốc lộ. Càng đến gần hàng rào thì nhìn càng rõ….đúng Phương Vy, Thịnh định gọi tên nàng nhưng sao cổ mình cứng nghẹn, tim đập bấn loạn, mặt choáng váng, nước mắt như sắp trào rơi…. Phương Vy, giờ thì cũng nhìn rõ Thịnh, mặt nàng tái nhợt, uể oải buông xui hai cánh tay đang vịn vào bờ thành lan can, bước lùi đôi ba bước đoạn quay người bước nhanh như trốn chạy…
Trên cốp mui của chiếc Jeep lùn bộ binh, tên Trung úy trưởng ban ba Chi khu ăn mặc rất chải chuốc, tóc dài chải tém thuộc loại sĩ quan kiển đây, đang dùng bản đồ hành quân tỷ lệ xích: 1/25,000 để thuyết minh tình hình bạn /địch và cho biết tần số liên lạc với cái bánh ú (delta) mà chiếc tản thương sẽ vào bốc thương binh trong chốc lát, Thịnh thấy anh ta có vẻ quá trịnh trọng nên trêu hắn “còn gì nữa không bạn? Nếu không thì làm sớm, nghỉ sớm. OK?”. Cũng giống Thịnh, Nhân bực bội cái thằng Tr/u kiển nầy, tuy vậy Nhân vẫn chấm tọa độ của delta lên bản đồ phi hành của mình, tánh Nhân làm việc gì cũng cẩn thận vì vậy Thịnh rất thích bay với Nhân, hai đứa có rất nhiều giờ bay chung với nhau, cũng tạo một ít thành tích, gian nguy cũng lắm và quậy phá cũng nhiều. Còn Sơn là pilot vùng ngoài mới đổi về, có gương mặt hiền từ dễ mến, thấy vậy chớ không phải vậy đâu, hắn là tay thiện xạ về môn phóng rocket cũng là cao thủ xập xám chướng, được hắn bay vị thế wing-man cho, là thấy “ấm lòng chiến sĩ”. Sau cùng nói về “chị” Huấn, hắn rất đẹp trai, cô nào gặp hắn tối ngủ chắc phải nằm mơ, bạn bè có vẻ “ghen tỵ cái nhan sắc” của hắn nên trêu chọc gọi hắn là “chị”.
Thế rồi bộ tư: Sơn, Huấn, Nhân, Thịnh lại trở về tàu mình bằng lối đi cũ, các em nhỏ đã trở lại lớp học. Thịnh cố nhìn vào hành lang để mong được thấy lại Phương Vy? Ồ, Thịnh lại bắt đầu nghĩ tới nàng nữa, mới quên được chốc lát vào lúc nghe briefing, Thịnh tự van mình hãy tạm quên hình ảnh Phương Vy lúc nầy đi vì mình sắp sửa đến tiền đồn, yểm trợ tàu tản thương, một việc làm nguy hiểm lắm đây, không thể tiếp tục đu dây điện, mà cần tỉnh táo lại mới được. Cả ba con tàu đều quay máy, Thịnh nói trên PVT talk nhắc khéo Nhân đừng cất cánh băng qua trường học, phạm quy luật an phi, hãy quay đầu hướng đông mà cất cánh. Từ đây đến delta đó chỉ độ 10 phút bay, Thịnh vào tần số VHF nội bộ, bảo chiếc tản thương danh hiệu là “Tình Thương” hãy orbit tại quận lỵ vài vòng chờ, sẽ đến sau hai chiếc Gunship danh hiệu là “Quái Điểu” chừng vài phút, Quái Điểu mới có đủ thời giờ dọn bãi đáp . Đọạn Thịnh chuyển qua FM liên lạc cái delta:
--- Kinh Đô ( danh hiệu của delta )  đây Quái Điểu.
--- Kinh Đô tôi nghe rõ thẩm quyền. Nói đi thẩm quyền.
Thịnh chữi thầm: mình mà thẩm quyền con mẹ gì, lính Nghĩa Quân thường hay nói năng rất lễ độ dễ thương, làm mình phát ngượng ngùng. Thịnh tiếp:
--- Quái Điểu là cặp chim vỏ trang đến trước, bạn hãy cho biết tình hình chung quanh cái bánh ú để Quái Điểu yểm trợ cho bạn và cho chữ thập đỏ vào bốc mấy chai whisky. Nghe rõ thế nào trả lời.
Viên Trung đội trưởng Nghĩa Quân có vẻ mừng rở (nghe trong giọng nói):
--- Báo cáo với Quái Điểu, hướng tây của tôi toàn là đồng ruộng nên chữ thập đỏ hãy đáp từ tây qua đông, phía đông của tôi cách chừng 150m là cánh rừng rậm rạp, bọn vịt con (vc) thường tụ tập nơi nầy bắn sẻ hoặc đặt pháo 61, 82 nã vào đồn. Hiện thời  tôi có vài đứa con bung rộng về phía đông làm an ninh cho bãi đáp. Quái Điểu nếu còn thừa bom đạn, xin trút vào cánh rừng đó, chúng tôi cám ơn Quái Điểu nhiều lắm.
--- Bạn nhìn lên xem có phải Quái Điểu đang ở trên đầu bạn rồi không,Tôi ghi nhận được những gì bạn nói. Xin bạn cho mấy đứa con phía đông trở lại bánh ú. Chúng tôi sắp vào “làm cỏ” khu vực bạn yêu cầu.
Thịnh bảo Nhân nhường cần lái lại cho mình, Thịnh qua VHF nội bộ, gọi Tình Thương:
--- Tình Thương, bạn có monitor được communication giữa Quái Điểu và Kinh Đô không? Hướng đáp của bạn là chánh đông, ra thì “đường xưa lối cũ” an toàn lắm bạn, bạn có thể low level vào, nhớ xin delta cho trái khói, gọi Quái Điểu khi bạn vào Final. Quái Điểu sẽ đánh kỷ mé đông để yểm trợ cho bạn đáp.
--- Tình Thương đáp nhận.
Đoạn Thịnh gọi Gun 2:
--- Hai, đây Một gọi.
--- Nói đi Một .
--- Chơi theo lối cũ nghe Hai. Một sẽ entry 45 độ vào bìa rừng, đánh rocket sau đó cho mini gun bắn dài dài trên target.
--- Roger.
Thịnh bấm intercom để nói trong tàu nghe thôi, brief nhanh cho Đan và Luân đang thủ hai cây mini gun phía sau biết chuyện sắp phải làm. Đoạn qua VHF, Thịnh dõng dạc thét:
--- Pass thứ nhất, Một…Vào.
Thịnh down pitch và dive thật nhanh vào mục tiêu là bìa rừng, phóng liên tục 3 quả rocket mỗi quả nổ cách nhau 10m, xong level lại, rồi nghiêng nghiêng con tàu làm cái left shallow turn đi ra để Đan sử dụng mini gun bắn tối đa vào mục tiêu. Lúc nầy nghe tiếng ông Tr/Đội trưởng reo mừng báo cáo trên máy C.25:
--- Quái Điểu, bạn đánh đẹp lắm, cứ tiếp tục yếu tố cũ đi thẩm quyền.
Vừa xong pass đầu của Một và Hai, thì Tình Thương báo cáo đang ở Final sẽ đáp ngay trái khói đỏ, Thịnh trả lời liền cho Tình Thương và Gun 2.
--- Tôi thấy bạn rồi, cứ vào đáp đi bạn. Tôi và số hai quan sát thật kỷ cho bạn.
--- Hai, bạn đã thấy Tình Thương chưa? nhớ theo dõi nó thật kỷ bạn nhé. Và pass thứ nhì, Một… vào.
Sau khi Một và Hai đánh xong pass thứ nhì thì Tình Thương báo cáo sẽ 180 out, hai chiếc Gunship vẫn giử cao độ 500 bộ, bang sang phía tây của delta để đưa tiễn Tình Thương cho tới khi đạt được cao độ an toàn. Có người hỏi tại sao lúc Tình Thương vào không cover, mà lúc ra lại cover kỷ, Thịnh xin thưa lúc vào Thịnh quyết định dùng chiến thuật yếu tố bất ngờ, lúc ra thì địch đã biết nên Quái Điểu bay cặp hai bên là vậy. Tình Thương nói lời cám ơn và về trước. Thịnh gọi số Hai trở lại đánh thêm cho nó một pass nữa. Rồi gọi từ giả nó, tên trưởng đồn có vẻ hớn hở (trong âm thanh) đáp lại một cách nhiệt tình: “cám ơn cặp Quái Điểu thật nhiều” .
Thịnh giao cần lái lại cho Nhân, tay phải kéo fermeture của túi áo bên vai trái, móc gói Winston bao cứng và cái quẹt Zippo, lấy một điếu ra đốt, Thịnh hỏi Nhân “có muốn một điếu không?” Nhân trả lời gọn lẹ “muốn chứ”. Thịnh trao cho Nhân điếu thuốc vừa châm lửa, và đốt điếu khác cho mình, rồi để lại gói thuốc và hột quẹt trên panel và mời Đan, Luân muốn hút thì cứ tự nhiên. Bây giờ thì hình ảnh Phương Vy trở về trong trí óc của Thịnh như một thước phim quay chậm, thật rõ ràng từ lúc hai đứa còn nhỏ cho tới ngày hôm nay.
Thịnh và Vy lớn lên cùng xóm, ba của Vy là người góc Triều Châu tên Vương Tịnh Hải đã lai Việt một vài đời, ăn nước mắm nhiều hơn xì dầu nên nói tiếng Việt rất rành, ngoài Vy ra chú còn có 2 đứa con trai nữa tên là : Tịnh Nhân nhỏ hơn Vy chừng hai tuổi và Tịnh Ái nhỏ hơn Tịnh Nhân chừng ba tuổi. Có lẽ chú là người ở xóm nầy lâu nhất vì khi gia đình Thịnh dọn tới thì đã có gia đình chú thiếm ở đây rồi, lúc đó gia đình nầy coi như khá giả nhất trong xóm, chú thiếm có một gian hàng bán vải trong chợ vải của tỉnh lỵ, nhà chú thiếm cất riêng rẽ, không chung vách như những nhà khác trong xóm nầy. Nhà lớn hai căn, vách ván bổ kho, mái lộp ngói âm dương, sàn lát gạch đỏ viền kẻ ciment. Các con, chú thiếm gọi chúng bằng tên đôi như: Phương Vy, Tịnh Nhân chứ không gọi tên chiếc: Vy, Nhân như mọi người, mới đầu mọi người trong xóm nghe cũng lạ nhưng riết rồi cũng quen và cũng gọi chúng bằng tên đôi như cha mẹ chúng gọi vậy. Thịnh và Vy cùng tuổi, ở cấp tiểu học thì Thịnh học trường nam còn Vy học trường nữ. Nhưng khi lên trung học thì hai đứa học chung tại một tư thục vì vậy ngoài bạn cùng xóm, còn là bạn cùng lớp cùng trường. Lúc nầy hai đứa còn nhỏ chừng 12, 13 tuổi nên không có chuyện gì để nói nhưng đến năm Đệ Tứ cũng là năm chót ở tỉnh nhỏ, nếu muốn học lên nữa phải về SàiGòn, thì có một vài chuyện xảy ra cho hai đứa.
Vào khoảng vừa xong đệ nhất lục cá nguyệt, và vào một buổi chiều tan lớp thì ngoài trời mây đen vần vũ,  sấm sét rền vang báo hiệu cơn mưa to cuối mùa sắp kéo đến, tất cả nam nữ học sinh hối vội ra về, ít nhất cũng ra được khu phố chính mới có chỗ nấp mưa. Khổ cho Vy, lúc nầy mà chiếc xe đạp bị bể bánh sau, Vy vừa dắt vừa ngó dáo dát như kiếm tìm Thịnh, Thịnh sau lưng Vy chớ đâu, cách chừng mươi bước thôi, Thịnh bước theo kịp và dắt xe dùm Vy đến chỗ vá cách đó độ 100m, còn Vy lấy tập vở của Thịnh cho vào cartable của mình, nếu mắc mưa sẽ không ướt, khổ nổi bánh xe khi bể mà dắt thì một vài chục thước, nào là vỏ, nào là ruột cứ tụt ra khỏi vành (niền) bánh xe và ngáng vào sườn xe không đẩy được, Thịnh phải dựng xe lên, nắn nót vỏ ruột cho vào vị thế cũ rồi dắt tiếp, bây giờ thì trời bắt đầu trút nước, Thịnh bảo Vy đi nhanh đến chỗ vá xe đợi Thịnh. Vy không chịu, nói “nếu bị ướt thì cả hai cùng bị chứ bộ, dù sao cũng đã ướt rồi”. Và sau một vài lần nữa phải dừng, sửa lại vỏ ruột thì cũng đến chỗ vá xe. Hai đứa giao chiếc xe cho anh thợ và vào sâu trong chiếc lều nhỏ lộp bằng lá, không vách chỉ một mái che xiên xiên để nấp mưa. Bây giờ Thịnh được dịp nhìn kỷ Vy đang ôm chiếc cartable vào ngực để che gió cho đở lạnh, sắc mặt Vy hơi tái, làn môi hơi nhợt, tóc Vy không ướt vì nhờ chiếc nón lá che, mắt Vy đen to rất đẹp, đôi hàng lông mài cong tự nhiên chưa hề biết tỉa xén, chiếc mũi thon dài, miệng nhỏ và đuôi môi hơi cong, răng trắng đều thật xinh. Vy mắc cở hỏi “Thịnh làm gì nhìn Vy kỷ vậy? Bộ chưa thấy Vy bao giờ sao?” Thịnh như chợt tỉnh, buộc miệng bảo “Vy đẹp lắm, Thịnh nói thật đấy”. Vy hơi rùng mình, có lẽ vì cảm lạnh, Thịnh thấy thế nên bạo dạn nắm lấy bàn tay của Vy và hỏi “Vy lạnh lắm sao?”, Mặt Vy đỏ hồng lên nhưng vẫn để yên cho Thịnh giử lấy tay mình, trả lời rằng “bây giờ thì đở lạnh rồi, không hiểu tại sao.. nữa”. Đến đây, chiếc xe được sửa xong, Thịnh hơi quê vì không có tiền trả cho thợ. Vy mở cartable lấy tiền ra trả, bây giờ trời cũng bớt mưa. Thịnh nói:
--- Thôi Vy đạp xe về, còn Thịnh thả bộ rề rề trước sau thì cũng tới nhà thôi.
Vy hơi bẽn lẽn đáp:
--- Vy lạnh quá, không biết đạp xe được không nữa, hay là Thịnh chở Vy về  nha.
Sáng hôm sau thằng Tịnh Ái mang trả tập vở của Thịnh gởi cho Vy hôm qua.Tịnh Ái cho biết chị Vy có lẽ trúng mưa nên bị sốt vùi. Đêm rồi má có cạo gió cho chị, nhưng chưa bớt, rất có thể xế trưa nầy chị không đến lớp được. Thịnh bảo Tịnh Ái về trước rồi chút nữa anh sang thăm. Thịnh vào tủ thuốc lấy tube Optalidon còn đầy, đi qua nhà Vy.Vy đang ngồi ủ rũ bên chiếc bàn đa dụng, trước mặt  là quyển tập môn Vạn Vật đang mở ra đó. Thấy Thịnh bước vào, Vy cảm thấy vui lên nên nhoẻn miệng cười, ra dấu mời Thịnh ngồi xuống đó. Thịnh ân cần hỏi bạn:
--- Vy có thấy đở hơn chút nào không? Thịnh có mang thuốc qua cho Vy đây.Vy nhớ uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên cách nhau chừng 6 giờ. Hy vọng ngày mai Vy khỏi hẳn.( Thịnh sắp nói đùa ) Mà nầy, đừng thấy viên thuốc đẹp, ngon ngọt rồi uống hết tube một lần thì Thịnh sẽ khóc suốt cuộc đời đấy.
--- Vy có được phước lớn như vậy sao? Được Thịnh khóc suốt cuộc đời ư? Đùa cho vui chứ lúc nầy Vy yêu đời lắm đó. Thịnh đừng lo.
Thịnh đứng lên, hai tay nắm lấy hai tay Vy đang đặt trên mặt bàn, Thịnh bóp  nhẹ để từ giả, mặt Vy ửng hồng, mắt chớp nhanh chứng tỏ Vy vui lắm. Vy không quên nói lời cám ơn Thịnh. Đêm nay cũng như mọi đêm, Thịnh học xong bài vở lúc 11 giờ, thường thì Thịnh đi đánh răng rồi đi ngủ sau đó, nhưng sao trong đầu lại muốn ôn lại chuyện mình tiếp cận với Vy trong 2 ngày qua. Thịnh cảm thấy dường như mình đang nhớ Vy? Chuyện gì thế đây ta?
Rồi vài tháng sau đó, có nghĩa sau Tết nguyên đán Thịnh gặp một biến cố rất lớn là cha của Thịnh đột ngột lìa đời. Thịnh vô cùng đau đớn thương tiếc người cha kính yêu. Sau một tuần bận rộn việc ma chay, Thịnh trở lại lớp học với dáng người mỏi mệt, thẫn thờ. Mặc cho thầy giảng bài, trong đầu Thịnh luôn nghĩ đến cha, một chữ cũng không vô lọt và liên tục đến vài tuần như vậy, Thịnh học sút kém thấy rõ. Một ngày kia thằng Tịnh Nhân mang sang một quyển sách trao cho Thịnh và nói “có thư của chị Vy gởi cho anh trong đó”. Thịnh lấy thư ra xem, thư không bỏ vào bao bì, nếu Tịnh Nhân có đọc thì cũng thấy đây là một lá thư đứng đắn của bạn bè khuyên nhủ nhau thôi, chứ không phải thư tình gì đâu. Vy viết không dài lắm chỉ hơn một trang giấy, Vy nhận định sự việc một cách sâu sắc, những lời khuyên rất thiết thực và lời cuối “em mong rằng Thịnh sẽ nghe lời khuyên của em” ký tên: Phương Vy. Lạ quá, lần đầu tiên thấy Phương Vy xưng em với mình, Thịnh cảm thấy thật sung sướng và hứa thầm với Vy “Vy ơi, anh hứa sẽ nghe em, học lại đàng hoàng”.
Thắm thoát thì kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp đã xong. Kết quả là Thịnh đậu và Vy trượt, Vy đủ điểm để được thi lại kỳ hai chừng hai tháng nữa. Mẹ Thịnh mừng lắm, luôn tin là có cha phò hộ cho Thịnh. Riêng Thịnh thì không vui mấy khi thấy Vy buồn và khóc rất nhiều, bụp cả mắt. Thịnh trông đợi có một dịp thuận tiện sẽ qua thăm và an ủi Vy, Thịnh không phải chờ lâu vì sáng nầy thằng Tịnh Ái sang tìm Thịnh nói rằng chị Vy muốn gặp anh. Thế là hai anh em trở về nhà Vy. Vy trách nhẹ:
--- Dữ ác ôn, phải đợi em mời Thịnh mới chịu qua thăm em sao?
--- Nói vậy thì tội cho anh đó Vy. Anh muốn lắm chỉ sợ lối xóm, họ thấy được họ dị nghị, dè bỉu hai đứa mình thôi.
Vy lại rưng rưng nước mắt sắp khóc, ấm ức nói to:
--- Mình có làm gì quấy đâu, thì việc gì phải sợ họ chứ?
--- Vy ơi, hôm cha anh mất Vy chỉ viết vài hàng chữ khuyên anh, thế mà anh lấy lại được niềm tự tin, anh hồi tâm học lại bình thường. Hôm nay anh muốn khuyên Vy cũng vậy: dẹp qua một bên nỗi buồn đó, lo học lại đi Vy. Những tập bài làm gồm: Hình Học, Đại Số, Lý Hóa Quang của anh, anh sẽ đem qua hết cho Vy, Vy xem lại cách anh làm. Anh tin rằng Vy sẽ đậu kỳ thi tới. Hãy nghe anh đi Vy, giống như cách đây bốn, năm tháng anh đã từng nghe Vy khuyên.Chúng mình thật sự hiểu nhau rồi đó,Vy ạ.
Nghe giọng nói thiết tha, ngọt ngào của Thịnh, Vy cảm thấy được xoa dịu rất nhiều, Vy thầm mắng yêu: “Quỷ gì đâu á, sao không đến sớm hơn để người ta khỏi phải khóc đến sưng cả mắt đây nè, anh phải đền cho Vy đó nghen”. Vy nũng nịu hỏi:
--- Bây giờ Thịnh thi đậu rồi, Thịnh định làm gì đây hả anh? Có bật mí cho em biết được không?
--- Dấu ai thì được, chứ không thể dấu được Vy đâu. Nghe nhé, cái hôm cha mất, gia đình anh có buổi họp.  Trước vong linh cha, những anh chị lớn có hứa thực hiện  câu quyền huynh thế phụ, anh chị hứa sẽ nuôi nấng em, cho đi học đến khi nào em không muốn học nữa thì thôi. Nhưng Vy biết đó anh là người rất tự trọng, anh không muốn mình cắn bớt chiếc bánh của cháu gọi mình bằng cậu, hoặc hớp vài ngụm trong ly sữa của cháu gọi mình bằng chú, nghĩa là anh không muốn là gánh nặng của anh chị, họa hoằn anh đã hết cách. Anh định sẽ thi vào trường Sư Phạm cấp tốc  ở Vỉnh Long, sau một năm học, ít ra mình cũng một cái nghề khiêm nhường, rồi mình sẽ lấy bài, mua thêm sách học hàm thụ, thời buổi nầy tối thiểu cũng phải có bằng Tú Tài mới ngẩng mặt lên được. Rồi khi cuộc sống ổn định, mình sẽ cưới người mình yêu, rước mẹ về để cả hai vợ chồng phụng dưởng báo hiếu.
Vy say mê nghe những ước tính của Thịnh. Linh cảm của phái nữ thường bén nhạy hơn phái nam, Vy tin một cách chắc nịch là Thịnh đã yêu mình rồi. Vì thế nàng rất sung sướng khi nghe câu ‘mình sẽ cưới người mình yêu’ của Thịnh, cái sung sướng đó khiến má nàng thêm hồng, môi thêm thắm rồi mặt hơi cuối xuống, mắt chớp nhanh cười mĩm thật đáng yêu. Thịnh vội nắm lấy tay Vy đang để trên mặt bàn đưa lên môi hôn, rồi áp bàn tay ấy vào má mình để cảm nhận cái mịn màng, dịu mát, thơm tho da thịt của trinh nữ. Đến đây,Thịnh chợt tỉnh: mình không thể đi xa hơn thế nữa, vì cả hai còn nhỏ, chàng nhè nhẹ buông tay nàng và đứng lên cáo từ ra về..........
Trên chuyến xe trở về nhà, Thịnh cảm thấy thật chán chuờng, thật ê chề. Nhớ lại chuyện hôm nay mình tới trường Sư Phạm Vỉnh Long lúc 2 giờ chiều, chàng hí hửng mang cái đơn vào nộp, người đầu tiên chàng gặp là vị thầy khá lớn tuổi,  ông cho biết chỗ nộp đơn là ở Long An chứ không phải đây. Rồi ông thấy mặt Thịnh còn non choẹt, ông thử hỏi “vậy chứ con được mấy tuổi rồi ?” Thịnh lễ phép đáp “thưa thầy, con sinh năm 46, năm nay con tròn 16 tuổi”, ông thầy cho biết: Con còn thiếu một tuổi nên không thể nộp đơn được đâu, thôi thì về nhà ghi danh học tiếp, sau khi có Tú Tài nếu còn thích nghề gõ đầu trẻ chừng đó có thể thi vào Đại Học Sư Phạm cũng không muộn. Thịnh chỉ biết “dạ, con xin vâng lời thầy”…..
Bây giờ Thịnh đang ở SG, vào học cũng được vài hôm. Thịnh rất nhớ Vy, phải nói là Thịnh đã trốn Vy đi. Sau cái hôm không nộp được đơn, Thịnh buồn lắm mà không thể nói cho Vy biết vì còn chừng 5 ngày nữa là Vy sẽ thi kỳ hai. Thịnh cố vui vẻ để động viên, hổ trợ tinh thần người yêu. Khi Vy thi xong là Thịnh đi liền. Những ngày đầu đến đây Thịnh như kẻ mất hồn, Thịnh luôn kiếm chuyện gì đó để làm, để bận rộn để khỏi phải nghĩ đến nàng. Cũng may, Thịnh có thằng cháu chừng 5 tuổi, nó thật mũm mĩm dễ thương, lúc đầu nó còn xa lạ với Thịnh, nhưng Thịnh cố làm quen với nó, cho nó bánh, dẫn nó đi dạo quanh xóm v.v…rồi nó bắt đầu thương yêu chú Út, quanh quẩn đeo theo chú Út và đêm cũng đòi ngủ với chú vì vậy giúp Thịnh đở buồn và nhớ Vy phần nào. Thịnh sợ nhất lúc đêm về, lúc mọi người đi ngủ cũng là lúc Thịnh mở sách vở ra học, hình ảnh Vy ám ảnh mình nhiều quá. Thịnh cố đọc bài thành tiếng để xua đuổi hình ảnh đó đi, nhiều lúc Thịnh lấy giấy trắng ra vẽ lại khuôn mặt của Vy bằng trí nhớ của mình, hình không biết có đẹp với ai không, nhưng trong mắt mình, hình rất giống Vy.
Chuyện học lên Đệ Nhị Cấp phải đòi hỏi thời gian dài, sau 3 năm Thịnh cũng xong Tú Tài (1965) Thịnh thi vào ngành nào cũng trớt huớt, cuối cùng đi kèm trẻ tư gia để có chút ít tiền còm xài khỏi phải ngữa tay xin anh chị. Trường Sĩ Quan Thủ Đức đã gọi xuống tới tuổi 22, thế là Thịnh phải kiếm đường “vọt”. Thịnh thi vào Cảnh Sát và khám sức khoẻ KQ/Phi Hành thì Thịnh dính vào KQ. Sau 3 năm quân trường từ Nha Trang đến trường bay Fort Rucker, Thịnh về nước vào giữa năm 1969, được gắn cánh, mang lon.
Thịnh bắt đầu thấy vui với cuộc sống mới bên bạn bè mới cùng lứa tuổi, cùng trình độ học vấn, chia sẻ với nhau bao hiểm nguy, bao gian khổ, có khi chia nhau từng muỗng cơm từng hớp nước ở một phi trường nào đó, đầy gíó cát mịt mù.
Chuyện Phương Vy tưởng chừng đã ngủ yên sau 8,9 năm không liên lạc, thế mà năm rồi, sau một chuyến bay ngắn Thịnh trở lại căn cứ, cũng đã quá giờ cơm trưa ở CLB, Thịnh phóng xe Honda ra ngoài đầu cổng phi trường kiếm cái gì ăn mới được. Vừa qua khỏi trạm Quân Cảnh, Thịnh phải chạy chậm lại vì phía trước là liên tỉnh lộ xe cộ chạy vùn vụt, bổng Thịnh nghe từ phía bên trái, khu tiếp tân có tiếng ai gọi “anh Thịnh, anh Thịnh”. Thịnh tấp vào lề trái thử xem ai gọi mình vậy. Một thanh niên còn trẻ đến ngay với Thịnh:
--- Anh Thịnh không nhận ra em sao?
Thịnh nhìn kỷ một lúc, ai quen quen, khuôn mặt hình quả trứng, mép môi hơi cong rất giống Phương Vy, Thịnh kêu lên:
--- Phải em Tịnh Ái đó không? Em đang làm gì ở đây?
Hai anh em, quá lâu không gặp nên cả hai mừng lắm.Thịnh xuống xe và dựng xe lên, để dễ dàng trò chuyện với Tịnh Ái. Tịnh Ái cho biết đang đứng xếp hàng chờ nộp đơn thi vào lính KQ, rồi hắn than: “cái đuôi còn dài thòn lòn, không biết có kịp chuyến xe chót để về không nữa”. Thịnh thử ngó xem người thâu đơn là ai? rất mừng: thì ra là ông quản Lục (Thượng sĩ Lục) mới từ TSN đổi về, làm ở phòng Nhân Viên, bạn của mình, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Thịnh bảo Tịnh Ái đưa đơn đây anh nộp cho. Thịnh quay đi, nãy giờ Tịnh Ái đã có dịp nhìn kỷ anh, anh cao lớn hơn ngày xưa, gương mặt thì không gì thay đổi nhưng đượm chút phong trần vì vậy mình nhận ra anh khi thấy anh chạy ngang đây, hôm nay anh mặc chiếc áo bay đen kết đầy huy hiệu, tay xoắn lên chừng hai lần để lộ chiếc đồng hồ không thấy có bán ngoài thị trường, có lẽ anh mua từ lúc du học, ngón tay áp út, anh đeo chiếc nhẫn US AirForce, fermeture phía trước kéo xệ, lộ rõ cổ áo lót màu trắng bên trong và dây thẻ bài đeo trên cổ, mỗi bên vai áo có hai bông mai vàng ối, súng rouleau đeo lủng lẳng bên hông, chiếc Kalô màu xanh đậm gắn 2 bông mai được đội lệch trên mái tóc, tất cả các thứ đó đã tạo cho anh nét thật hào hùng, khác xa anh Thịnh ngày xưa vóc dáng thư sinh hay dụ mình đứng canh cửa cho anh và chị nói chuyện. Rồi Thịnh trở lại với phiếu báo danh trên tay, trao cho Ái và bảo Áí lên xe, hai anh em đi kiếm cái gì ăn. Quán “anh Ba” cách đó chừng hơn trăm mét, hai anh em dựng xe, bước vào, giờ nầy quán không có nhiều thực khách, hai anh em chọn một cái bàn xa mọi người để tâm sự. Cô Tranh, con gái thứ nhì của anh Ba khoảng 14,15 tuổi ra chào Thịnh và nói Thịnh cần gì thì gọi cô. Tịnh Ái nói mình còn no, còn Thịnh đang đói, muốn đĩa cơm chiên Dương Châu nhưng nghĩ lại, ngồi đây là để tâm sự với Ái, tránh không sao khỏi xúc động nghẹn ngào, cơm chiên chắc là nuốt không trôi đâu, thôi thì chọn hai đĩa beef steak vậy. Thịnh gọi bé Tranh lên, nói rằng “anh muốn hai đĩa steak, một chai 33 ướp lạnh, một chai coke và chừng ba mươi phút sau, bé Tranh mang lên cho anh một ly cà phê filtre đá nữa nhé”.
Nước được đem ra trước, Thịnh tinh nghịch lấy ngón tay trỏ xoay tròn trên cục đá cho va vào thành ly nghe “lanh canh” rồi hớp một ngụm bia thật lớn, anh thấy khoẻ ra, đoạn anh lấy từ túi áo bên vai trái gói Pall Mall đỏ và hột quẹt Zippo ra để trên bàn, anh rút một điếu, thắp lửa hút. Anh nói:
--- Em hãy kể cho anh biết chuyện nhà nhất là chuyện chị Vy đã ra sao rồi?
--- Anh hãy nói về anh trước đi, ngày xưa anh có yêu chị ấy thật không?
--- Được rồi, anh kể đây: Anh đã hứa với chị Vy, anh đi Vỉnh Long nộp đơn thi Sư Phạm, ra trường đi dạy và đợi một vài năm sau, hai đứa lớn thêm chút nữa anh sẽ cưới chị, chứ anh không muốn học lên ngay bây giờ vì làm như vậy anh phài nhờ vả vào các anh chị, điều nầy anh không muốn bao giờ, đây là lối “binh dương” (xập xám chướng) nhưng khi nộp đơn thì không được vì tuổi còn nhỏ. Anh và Vy cùng tuổi nhưng trong khai sinh, mẹ anh khai sụt một tuổi cho anh, còn Vy lại được ba má khai lên một tuổi. Lối binh dương không ổn, thì quay qua “binh thủ” vậy, anh phải lên SG học lên nữa. Những ngày đầu anh rất khổ sở vì nhớ thương Vy, anh cố ép hình ảnh Vy vào một góc tường tiềm thức, phải học tốt để khỏi phụ lòng: cơm anh, áo chị. Sau ba năm anh cũng xong Tú Tài và vào KQ. Mãi nữa năm 69 anh mới ra trường, gắn lon Thiếu úy, rồi trình diện đơn vị mới. Thời gian nầy đã bao lần anh rất muốn tìm Vy để nối lại tình xưa, nhưng anh nghĩ lại, cuộc đời người phi công là đánh bạc với định mệnh, chơi trò trắng đen với số phận, biết bao bất trắc hiểm nguy luôn trực sẵn rình rập đợi chờ, bạn của anh mới thấy đó bổng nghe gãy cánh đó. Nhiều lần anh muốn cưới Vy làm vợ thì cũng nhiều lần phải chứng kiến cảnh người vợ mặc tang phục, đầu chít khăn sô đớn đau, oằn oại khóc than, ôm khư khư chiếc quan tài của chồng như cố giữ lấy, như đừng để ai đó hạ xuống huyệt, lấp đất.  Và nhiều khi cũng cảnh trạng giống như vậy, và còn tệ hơn thế nữa vì có thêm vài đứa nhỏ lên bốn lên ba, chưa biết gì, mặc tang y, đầu quấn khăn trắng đứng cạnh mẹ, cứ hồn nhiên tinh nghịch chơi vọc mớ cát đất được đổ lên đây khi họ đào huyệt mộ chôn bố chúng nó. Rồi đây tương lai của chúng nó sẽ về đâu? Đứng trước cảnh tình như vậy, thử hỏi ai không xúc động, không rơi nước mắt? Rồi sau những khi phải dự đám tang để tiển bạn mình đi như kiểu đó, đêm về anh say khướt đến nổi ôm xiết thân xác phấn son vay mượn mà lại tưởng chừng được mân mê thân thể ngọc ngà của người mình yêu, khẻ gọi Phuơng Vy, “kỹ nữ” kia bực tức, hất mình qua một bên, anh chưa bị ăn tát tay đó mới là chuyện lạ. Anh không chối là mình yêu Vy lắm, nhưng tuyệt đối và tuyệt đối anh không muốn ngày nào đó Vy là một góa phụ khi tuổi còn thanh xuân. Chân lý, thiện mỹ của tình yêu là thế nào, là phải biết hy sinh để tạo hạnh phúc cho người mình yêu, bằng làm trái lại là mình ích kỷ, chỉ yêu mình, chứ không yêu người. Vì thế “Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới. Anh viết rồi, anh lại xé em ơi” (T.T.T).
Tịnh Ái nghĩ anh đã kết thúc nơi đây, nên bắt đầu kể chuyện chị Vy cho anh biết:
--- Khi biết anh lặng lẽ ra đi, chị phờ phạc, thẩn thờ rất đau khổ như người mất hồn, lần thì chị nấu cơm bị khê, lần khác chị nấu canh quá mặn bởi không nhớ mình đã nêm mắm muối rồi, lại nêm nữa. Chỉ có em và anh Tịnh Nhân biết, dấu kín không nói ba má hay, hai anh em ra sức khuyên nhủ chị, chị cũng nguôi ngoai phần nào, nỗi buồn nầy chưa kịp dứt, một vài tuần sau lại tiếp nối nỗi buồn khác là chị lại trượt kỳ nhì nữa. Buồn đau tới tấp đến với chị như vậy, thì thử nghĩ người con gái mảnh mai yếu đuối kia làm sao chịu đựng nổi. Chị ngã bệnh, chị cãm sốt liên miên, má lấy chiếc khăn lau mặt, nhúng nước lạnh vắt khô rồi đắp lên trán cho con, nhiều lúc trong cơn mê sảng chị gọi tên anh: “Thịnh ơi, anh đang ở phương nào, có biết rằng em đau lắm không, em đau lắm Thịnh ơi” thế là má cũng khóc theo chị, tình mẹ thương con như biển, hồ lai láng, và chị còn nói Vỉnh Long, Vỉnh Long gì nữa, không ai hiểu gì cả, em vừa mới hiểu khi anh nói lúc nãy. Ba má hỏi tụi em tại sao chị luôn gọi tên Thịnh, phải thằng Thịnh ở xóm mình không? Thấy không thể dấu ba má được nữa, chúng em phải nói hết cho ba má biết là anh và chị có tình ý với nhau, nhưng hai anh chị chưa hề vượt qua vòng lễ giáo, chỉ hứa hẹn trong tương lai sẽ cưới nhau mà thôi. Ba má nghe vậy cũng an tâm, ba má bàn nhau, bệnh của chị không thể gọi thầy chích dạo chữa trị được mà chị cần uống thuốc bổ, thuốc mát ở tiệm thuốc bắc, nhất là ăn uống tẩm bổ, má phải ở nhà vài hôm làm gà tần thuốc bắc, cật heo chưng với củ sen v.v..riêng cho chị, nhất là mọi dặn dò với nhau phải an ủi, khuyên lơn , khuyến khích thì chị mới sớm bình phục. Dường như trên đời nầy bao giờ lời khuyên của mẹ khi mình vấp ngã trên đường đời luôn luôn là hửu hiệu nhất nếu được đem so với tất cả các lời khuyên của người khác, đúng vậy nghe lời má khuyên, năm ba ngày sau chị thấy khỏe lại, ba má muốn chị ghi danh học lại lớp Đệ Tứ vì chị còn nhỏ không thể tính chuyện gì khác hơn được, nơi đây chị gặp lại chị Yến, cùng cảnh ngộ như chị nên hai chị rất thân nhau, anh còn nhớ chị Yến chứ? Năm học lại nầy, chị rất chuyên cần về môn toán và lý hóa là hai môn chị học kém trong năm rồi. Rồi kỳ thi tới chị và chị Yến đậu với số điểm cao (Bình thứ), hai chị lại đậu vào Sư Phạm Vỉnh Long, sau một năm học tại đây, hai chị được đưa về tỉnh nhà và Ty Học Chánh của tỉnh phân phối cho hai chị dạy tại những quận tương đối an ninh nhất của tỉnh. Và năm sau, hai chị học hàm thụ Đệ nhị cấp và cũng đậu được Tú Tài bán đó anh ạ.
Tin tức về anh thì luôn được chị dâu thứ Năm của anh kể cho chị biết. khi anh tốt nghiệp chị rất hy vọng anh tìm chị, rồi đợi mãi không thấy đâu, thôi thì chị nhận lời cầu hôn của anh Doãn, anh ấy lớn hơn chị những mười tuổi, người Bắc di cư, tốt nghiệp cán sự y tá lâu rồi, hiện đang làm Trưởng Chi Y Tế ở quận lỵ mà chị đang dạy. Hai anh chị cưới nhau cũng gần 2 năm, chưa con kiến gì. Thịnh nghe thấy có cái gì xót xa bồn chồn trong dạ, mắt rưng rưng cay xé, như vậy mình thực sự mất Vy rồi, ráng đè nén thương đau, Thịnh nói:
--- Anh tin là chị được hạnh phúc, chứ lấy anh thì tương lai đen như mõm chó mà thôi.
--- Hạnh phúc không, thì em không biết khi phải sống với người chồng hay ghen tuông, tánh tình khó khăn, nề nếp gia trưởng. Em đã chứng kiến một vài lần khi chị đưa anh về thăm nhà. Anh lầm lỳ không muốn giao tiếp với bất cứ một ai, tối ngày anh vùi đầu vào sách, sai chị Vy như sai con sen, sai người giúp việc, khi thì lấy nước uống cho anh, khi thì anh đòi cà phê, em phải đi mua dùm chị. Có lần anh làm cả gia đình phải sửng sốt và thật bức xúc, anh Thịnh nghĩ coi, khi cả nhà ăn cơm gần xong, chị Vy muốn làm cái gì đó cho ba để tỏ chút lòng hiếu thảo, nên chị bưng một tách trà nóng đến cho ba, mời ba uống khi ba vừa buông đũa, anh Doãn hỏi một câu thật chưng hửng “tách trà của tôi đâu? Bộ tôi không biết uống trà sao?”. Chị cũng nhanh trí nói để cho qua chuyện “trà nóng, em chỉ bưng mỗi lần được một ly thôi, sẽ tới lượt anh”. Ba lắc đầu nhè nhẹ, má nhìn anh lom lom, hai đứa em thì gục mặt, tụi em tức lắm muốn chữi ảnh một trận nhưng nghĩ tội cho chị mình, nên bỏ đũa đứng lên….
Thịnh nghe thật chua xót đớn đau trong lòng, không ngờ Vy khổ như vậy. Thịnh tức bực chữi ngầm: “Tiên sư bố mầy thằng Doãn. Sao mầy hành hạ Phương Vy lắm thế. Mầy có biết ngày xưa tao rất quý yêu nàng, nội cái chuyện nắm tay nàng tao cũng nhè nhẹ tao sợ đau tay nàng, tao chìu chuộng, nâng niu nàng như nâng trứng, hứng hoa. Mầy cũng là thằng có học, có thể mầy học còn cao hơn tao nữa là khác, nhưng tại sao mầy bắt nạt, cư xử tệ bạc với nàng như thế. Mầy có còn là con người không hả Doãn?”.Thịnh cảm thấy mình có lỗi thật nhiều với Vy, nhớ Vy quá hay mình thử hỏi:
--- Tịnh Ái, em có tấm ảnh nào của chị Vy trong bóp em không?
---.Có chứ anh, ảnh chị và má chụp chung cũng khá lâu, vào lúc chị vừa tốt nghiệp, em thích nên luôn giử trong bóp. Ảnh chị lúc đó không khác mấy với chị bây giờ, cũng như anh, em thấy là nhận ra anh ngay. Đây, anh xem đi.
Thịnh đưa tay đón lấy tấm hình, mới nhìn sơ thôi thế mà cơn xúc động rạt rào mãnh liệt ạp đến, mặt Thịnh đỏ gay, cổ như bị nghẹn, nước mắt trào ra thật nhanh, dường như có một giọt rớt lên tấm hình, Thịnh khẻ hứ một tiếng như là khóc. Thịnh thấy hổ thẹn với Tịnh Ái nên xoay mình qua một bên, đầu hơi cuối xuống, mắt chớp nhiều lần cho nước mắt tuôn hết ra, hai răng cắn chặt vào nhau để không bật tiếng khóc. Thịnh hít thở bằng mũi thật là sâu và nhiều lần hầu trấn áp cơn cảm xúc. Vậy mà phải mất gần hai phút mới tạm xua đuổi được nó. Thịnh xoay lại đối diện với em, câu nói đầu là “xin lỗi em, anh không dằn được xúc động”. Thịnh bưng ly cà phê lên, hớp một ngụm thật lớn, và đốt một điếu thuốc rít sâu vào buồng phổi, nhả khói nhè nhẹ. Bây giờ Thịnh mới thấy dễ chịu lại, nên hỏi em:
--- Tấm ảnh đó đâu rồi em, anh có thể có tấm ảnh đó không?
Tịnh Ái rất thương anh, nhưng trước cái đòi hỏi vô lý của anh làm Tịnh Ái dỗi hờn, em nói như thể muốn rầy anh:
--- Anh, bây giờ em đã thấy rõ: Tình yêu của anh dành cho chị Vy vẫn đậm đà, vẫn thiết tha, nỗi đớn đau vừa qua chưa đủ làm anh sợ sao, mà còn muốn giử tấm ảnh của chị nữa, em nhất định không đưa cho anh.
Biết không lay chuyển được thằng bé về chuyện tấm hình, Thịnh thử xin nó chuyện khác:
--- Thôi thì anh không nói chuyện đó nữa, chịu không nè. Nhưng anh van xin em một chuyện nhỏ thôi, là đừng bao giờ nói với chị là đã gặp anh và hai anh em tâm sự rất nhiều.
Tịnh Ái lại bực mình cái ông anh gàn dở nầy lần nữa:
--- Anh vô lý vừa phải thôi chứ. Anh có biết tự ái của chị Vy bị tổn thương nặng lắm không? Chị luôn mang mặc cảm chị bị người yêu bỏ rơi. Chị hối hận vì nghĩ mình đặt tình yêu đầu đời không đúng chỗ, đã yêu kẽ không hề yêu mình. Thế mà mình ngu dại nhen nhúm bếp lửa thương yêu luôn rực sáng. Như em đã nói vừa rồi, khi nghe tin anh tốt nghiệp về nước, chị rất hy vọng anh tìm lại chị, rồi mỗi một ngày đợi mong, chị tưởng chừng như mỗi một ngày mình tự vốc nắm tro mà rải trên mặt than hồng ấy, như cố nhốt lửa than kia cho nguội lại, cho tắt hẵn. Nhưng có tắt hẵn được không hở anh? Vì thế anh không nên cấm em đem sự thật nầy để nói lại với chị. Em biết: anh không bao giờ muốn em thanh minh dùm anh trong chuyện nầy, anh chỉ muốn âm thầm nhận mình là kẽ bội phản để chị sớm quên anh mà có hạnh phúc với chồng, đúng không? Nhưng chuyện không chỉ đơn thuần như anh tưởng, trên đời có những cái người ta cố muốn quên, lại là buộc người ta luôn nhớ mãi. Anh, em xin anh cho chị có cơ hội giải tỏa cái mặc cảm bị phụ bạc, cái khổ tâm bị bỏ rơi đó đi để chị còn ngẩng cao mặt nhìn đời. Yêu chị, anh phải để cho chị được hãnh diện về mối tình đầu của chị chứ, chị sẽ nói với mọi người là chị đã yêu không lầm người, người chị yêu rất thánh thiện, tôn thờ chị và luôn hy sinh để chị được ấm êm. Rồi chị sẽ khơi đi lớp tro trên mặt, để bếp lửa tình yêu của chị sẽ hừng hực trở lại và chừng đó chị thật sự hạnh phúc. Em thiết nghĩ: hai anh chị đều lớn cả, tự biết điều gì mình nên làm, và điều gì không nên và em tin tưởng sẽ không có chuyện gì quá đáng xảy ra…..
Một năm trôi qua, tức là sáng nầy, Trời đã bắt hai đứa thấy lại nhau trong một cái cảnh bẽ bàng, hụt hẳn, như đỉa phải vôi. Cả hai đồng cảm nhận có cơn đau buốt dữ dội trong tim như có ai đó đã đâm một nhát dao nhọn vào …
Thôi thì:
“Dang dở cuộc tình, gặp lại chi?
  cho thêm đau xót, chẳng hơn gì.
  Bởi anh vụng dại, yêu không giữ
đánh mất duyên mình. Xin lỗi Vy”.

Xin lỗi muội, trăm nghìn lần xin lỗi Vy muội, ôi Vương tiểu muội của ngu huynh.
Hoa tiêu Gunship Nguyễn Thịnh.
--------------------------------

Kính tặng quí Niên Trưởng và các bạn để đọc cho vui. Tình đầu bao giờ cũng mộng mơ cũng tuyệt vời luôn ghi một dấu ấn sâu đậm trong ký ức ngàn đời khó nhạt phai. Vì sao? Vì lúc đó ta yêu bằng tất cả lý lẽ của con tim, đúng nghĩa với từ “YÊU”, chưa hề có tính toán, so sánh, chọn lựa, không cần có sự cố vấn của lý trí. Cũng vì vậy hầu hết tất cả mối tình đầu đều mang một mẫu số chung: đi vào ngõ cùng là Dang Dở (phải viết bằng chữ bông như để vinh danh, như để tang cho tất cả tình đầu tuyệt đẹp).

Vì sao?           “Vì sao, ai nỡ hỏi làm chi !
                                Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá,
                                Chỉ biết YÊU thôi, chẳng hiểu gì."
XD.

225